Giếng Làng Cẩm Nhượng Và Vấn Đề Tôn Tạo

Giếng làng Cẩm Nhượng

Việc tôn tạo, phục hồi giếng làng ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

Nói đến giếng làng ắt hẳn không ít người bùi ngùi nhớ đến quê hương. Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình xưa nay vẫn là hình ảnh đặc trưng của mỗi vùng quê Việt Nam. Đó là điểm nhấn trong đời sống, sinh hoạt và không gian văn hóa của mỗi làng quê.

Theo truyền thuyết và tư liệu lịch sử còn lưu giữ lại, xã Nhượng Bạn thủa xưa (nay là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được hình thành vào cuối đời Trần, thế kỷ thứ 15. Làng Nhượng Bạn ra đời gắn liền với sự tích bà Hoàng Càn([1]), người con gái làng Quyền Đông([2]) là cung phi của vua Trần đã đứng ra xin vua ban tặng mảnh đất ven sông biển để di dân Quyền Đông và cư dân tứ xứ về sinh cơ lập nghiệp.

Trên mảnh đất “kề bể, gần non”([3]) này, bằng trí lực, sự cần cù, sáng tạo lao động, nhiều thế hệ, người Nhượng Bạn đã vun xây nên một quần thể đình, đền, chùa miếu để phụng thờ, tưởng nhớ, ghi ơn những bậc anh hùng dân tộc, các vị tiền hiền đã có công mở mang bờ cõi, khai sơn phá thạch, hình thành nên xóm thôn sầm uất. Những công trình như: chùa Yên Lạc, đình làng Xuân, đình làng Đương, đình làng Trung, Văn chỉ thờ Khổng Tử, miếu bà Càn, miếu Văn Hiền, miếu Đông Đạo, đền Cả, đền Thượng Phủ, đền Tam Tòa, nhà bia… được xây dựng thành một hệ thống nằm rải rác trên địa bàn xã. Đây là những công trình thể hiện đời sống tâm linh phong phú, sâu sắc hướng về cội nguồn, gốc rễ của người dân Cẩm Nhượng.

Tồn tại song song cùng với hệ thống đình, đền, chùa, miếu là những chiếc giếng làng. Giếng nước, cây đa, đình làng từ xưa được xem là biểu tượng mang tính đặc trưng mà thân thiết ở mỗi làng quê Việt Nam. Xã Nhượng Bạn xưa có đến 5 giếng làng: giếng Uống, còn gọi là giếng Vạn Phúc nay thuộc thôn Phúc Hải; giếng Miệu ở gần miếu thờ bà Hoàng Càn nay thuộc đường Lâm Hoãn thôn Xuân Bắc; giếng Trửa (giữa) nay thuộc đường Hoàng Độ thôn Xuân Nam; giếng Cồn nay thuộc đường Hoa Thưởng thôn Hải Nam và giếng Vạn lái rút ở các thôn Đông Đạo, Vạn Lợi.

5 giếng làng được người xưa lấy huyệt, khai mạch nên nguồn nước ngọt lành, phục vụ nhu cầu của nhân dân trong các vạn chài, thôn xóm. Đến thời thuộc Pháp, các giếng làng được chính quyền xây dựng lại tương đối kiên cố, đường kính khoảng 2 – 3 mét, rộng rãi, thuận tiện cho việc lấy nước của người dân.

Trong 5 giếng làng thì giếng Uống là giếng lớn nhất. Gọi là giếng Uống bởi nước ở đây rất trong lành, mát ngọt và tinh khiết, là nguồn nước chính cung cấp cho cư dân các vạn chài, thôn xóm. Điều đặc biệt, nước giếng Uống dùng để om hoặc nấu chè tươi thường có màu nước xanh lâu và ngon ngọt nổi tiếng. Tương truyền, những giếng ở Nhượng Bạn thủa xưa do vị danh thần thời Lê sơ, Tả đô đốc, Thượng tướng quân Nguyễn Thân (4) là người lấy huyệt, khai thủy.

Sinh ra và lớn lên gặp thời đất nước loạn lạc, Nguyễn Thân sớm gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, chiến đấu dưới ngọn cờ chính nghĩa của Lê Lợi. Sau ngày đánh tan quân Minh, thống nhất bờ cõi, Nguyễn Thân được nhà Lê phong làm đô đốc, giao trấn giữ một vùng biên hải từ Đèo Ngang dãy núi Hoành Sơn huyện Kỳ Anh đến núi Nam Giới huyện Thạch Hà thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Đô đốc Nguyễn Thân là người rất am tường địa lý, phong thủy, dược lý và y học. Ông cũng là người có công lao chủ xướng việc lập nên 6 giáp trong làng: Vạn, Cả, Xuân, Đương, Thượng, Trung và lựa chọn các bậc danh thần để phụng thờ trên đất Nhượng Bạn.

Một bài vè được làm cách đây gần 180 năm cũng nhắc đến địa danh giếng Uống:

                                        Cái giếng Uống phía trên

                                        Đền Tam tòa kề bên

                                        Chung cả làng uống mát.

Đến những năm 80, 90 thế kỷ trước, đời sống kinh tế đi lên, sinh hoạt của nhân dân Cẩm Nhượng có nhiều thay đổi. Mỗi gia đình tự đào riêng cho mình một giếng khơi hoặc giếng máy để lấy nước sinh hoạt nên nhu cầu dùng nước từ những giếng làng hầu như không còn. Những chiếc giếng một thời chính là nơi cung cấp nguồn nước cho cả làng bị bỏ hoang, không còn ai quan tâm. Nếu như giếng Vạn lái rút (ở cồn Gò xã Cẩm Nhượng ngày nay) bị thủy triều xâm lấn vào những năm 50-60, thì đáng buồn hơn những giếng làng khác còn bị vứt xả rác gây ô nhiễm và sau đó bị san lấp lấy đất sử dụng vào mục đích khác.

Nhận thức được giá trị văn hóa của những chiếc giếng làng, thời gian vừa qua, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Nhượng đã tích cực khôi phục tôn tạo, khơi thông lại các giếng làng. Đầu tiên là giếng Miệu ở thôn Xuân Bắc, tiếp đến là giếng Trửa (giữa) thôn Xuân Nam và giếng Cồn thôn Hải Nam. Tuy nhiên, giếng Uống – giếng lớn nhất, quan trọng nhất đối với hệ thống giếng và long mạch của xã Cẩm Nhượng đã bị san lấp hoàn toàn và nằm dưới nhà của một hộ dân ở thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng. Hiện nay Đảng ủy, Chính quyền xã Cẩm Nhượng đang kêu gọi nhân dân chung tay, chung sức để khơi thông lại giếng Uống.

Việc phục hồi, tôn tạo lại các giếng làng thủa xưa là một việc làm cần thiết, hết sức có ý nghĩa nhân văn trong hành trình tìm về những di sản văn hóa, những giá trị tốt đẹp của cha ông đã để lại mà người dân Cẩm Nhượng đã và đang làm.

Chú thích :

[1]  Hiện nay bà Hoàng Càn được thờ đền Cả xã Cẩm Nhượng, triều Nguyễn đã nhiều lần ban tặng sắc phong.

[2]  Làng Quyền Đông còn có tên gọi khác là Quèn, nay là xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

[3]  Câu ca dao “Nhượng Bạn kề bể gần non; Không giàu cũng khá lại khôn con người”.

Trên đây là bài viết về giếng làng Cẩm Nhượng và vấn đề tôn tạo do tác giả Nguyễn Trọng Thanh viết ! Vui lòng chia sẻ đến bạn đọc nếu bạn cảm thấy hay và bổ ích ! Thân ái

Nguồn: Ths. Nguyễn Trọng Thanh

Hãy truy cập website thiencambeach.com để xem thêm nhiều thông tin văn hóa khác !

Hoặc theo dõi fanpage Thiên Cầm Beach để cập nhật nhiều thông tin mới nhất !

Để được quảng cáo trên webiste vui lòng liên hệ : 0911 997 992 ( Gặp Khánh )

Back To Top